Nỗ lực của trung tâm phát triển nấm góp phần thúc đẩy nghề sản xuất nấm ở Hà Tĩnh
Những nỗ lực đổi mới quy trình sản xuất, nhất là áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu phát triển nấm và Tài nguyên sinh vật (Sở KH&CN) những năm qua đã góp phần thúc đẩy nghề sản xuất nấm ở Hà Tĩnh phát triển. Nấm cũng là một trong những sản phẩm được trao tặng GTCLQG trong năm 2019. Đây là kết quả của sự nỗ lực nâng cao chất lượng và sản lượng nấm của đơn vị.
Ông Trần Đức Hậu – Giám đốc Trung tâm cho hay, để đáp ứng các tiêu chí, trung tâm đã đầu tư, cải tiến công nghệ, máy móc thiết bị, nhà xưởng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống quản trị. Trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, yếu tố chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu.
Hiện, trung tâm đã làm chủ nhiều công nghệ sản xuất nấm hiện đại.
“Ngay từ khi chuẩn bị hồ sơ giải thưởng, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ để nâng cao trình độ quản lý chất lượng tại cơ sở. Qua đó, đơn vị cũng hoàn thiện công tác quản lý của mình để chất lượng sản phẩm tốt hơn… Khi được nhận GTCLQG, trung tâm có thêm các chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ thị trường, người tiêu dùng.” – ông Hậu chia sẻ thêm.
Tương tự, để đạt được danh hiệu GTCLQG là sự nỗ lực lâu dài của Công ty CP Vàng bạc Phương Xuân (TP. Hà Tĩnh). Quá trình kinh doanh, công ty đã đầu tư nhiều loại máy móc, công nghệ hiện đại để kiểm tra trọng lượng, chất lượng vàng; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát từ những khâu đầu tiên của quá trình sản xuất đến khi hoàn thành sản phẩm, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Việc được nhận GTCLQG không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực đổi mới trong quản lý điều hành và áp dụng khoa học kỹ thuật, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Công ty CP Vàng bạc Phương Xuân đã đầu tư nhiều loại máy móc, công nghệ hiện đại để kiểm tra trọng lượng, chất lượng vàng, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Xuân – Giám đốc Công ty chia sẻ, những năm gần đây, người dân đang có xu hướng lựa chọn các sản phẩm do công ty vàng bạc trong nước sản xuất. Nắm bắt thực tế này, công ty đã áp dụng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Với chiến lược phát triển cùng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2005, các sản phẩn của công ty luôn đạt được chất lượng cao và ổn định; phong phú về kiểu dáng, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu khắt khe của khách hàng.
Các sản phẩn của Công ty CP Vàng bạc Phương Xuân luôn phong phú về kiểu dáng, đa dạng về mẫu mã
Có thể khẳng định, GTCLQG vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm. Ông Bùi Phong An – Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Tĩnh cho biết, doanh nghiệp đạt danh hiệu GTCLQG sẽ được tôn vinh hình ảnh của mình, đây cũng là cơ hội để quảng bá, nâng tầm thương hiệu. Từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Hy vọng với sự hỗ trợ của ngành KH&CN, Hà Tĩnh sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đủ tiêu chí tham gia và đạt giải thưởng.
GTCLQG là giải thưởng thường niên duy nhất về chất lượng được luật hóa bởi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và được ban hành theo bộ quy tắc quốc tế. GTCLQG cũng là giải thưởng duy nhất về chất lượng ở cấp quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trao tặng và nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (Global Performance Excellence Award – GPEA). Để tham dự giải thưởng này, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều tiêu chí theo hệ thống GPEA của Tổ chức Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương (APQO) như: Vai trò của lãnh đạo; hoạch định chiến lược; định hướng vào khách hàng và thị trường; đo lường, phân tích và quản lý tri thức; quản lý, phát triển nguồn nhân lực; quản lý quá trình hoạt động… |